Giới thiệu
Di tích Đá Nổi phân bố ở xã Phú Thuận huyện Thoại Sơn trong một phạm vi rất rộng 1.500m x 800m được phát hiện trong quá trình người dân canh tác nông nghiệp. Tại đây đã phát hiện được 7 địa điểm có kiến trúc theo kiểu mộ táng thuộc thời kỳ văn hóa Óc Eo cùng với số lượng hiện vật phong phú 331 hiện vật.
Di tích Đá Nổi nằm giữa cánh đồng thấp có tên là cánh đồng Đá Nổi thuộc ấp Phú Tây xã Phú Thuận (nay là ấp Hòa Tây B xã Phú Hòa) H.Thoại Sơn tỉnh An Giang cách TP.Long Xuyên (An Giang) khoảng 13 km. Phân bố trên một diện tích rộng khoảng 1.500 m theo hướng Đông Tây và 1.000 m theo hướng Bắc Nam Đá Nổi được phát hiện vào năm 1984 sau khi những người tìm kiếm vàng đến đây đào bới trên diện rộng hàng chục héc ta.
Khảo sát và khai quật
Tháng 2.1985 Trung tâm Khảo cổ học - Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp Bảo tàng An Giang tiến hành một cuộc điều tra cấp thiết tại di tích trước cảnh tượng những người tìm vàng đang đào đãi khắp nơi. Trên khu đất về phía Nam có Miếu Bà Chúa Xứ, nhà dân, Miếu Ông Tà và một ngôi mộ mới chiếm diện tích 2.000 m2. Tại phần đỉnh phía Bắc, người dân cho biết những người tìm vàng đã đào 2 di chỉ mộ táng lấy đi nhiều hiện vật vàng.
Kết quả khai quật đã làm phát lộ 7 di chỉ mộ táng mang đặc trưng của văn hóa Óc Eo. Tiến sĩ Đào Linh Côn (nguyên Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học - Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) cùng các cộng sự nghiên cứu khai quật cho biết đây là những ngôi mộ được chôn theo tục hỏa táng có cấu trúc trung tâm hình trụ bằng gạch.
Cấu trúc và hiện vật
Kết quả điều tra khảo sát hiện trạng đã xác định trong di tích có 2 loại hình di tích quan trọng: di chỉ cư trú và di chỉ mộ táng. Trong đó di chỉ mộ táng có nguy cơ bị phá hủy hoàn toàn. Tháng 3.1985 cuộc khai quật chữa cháy di tích Đá Nổi được tiến hành nhằm cứu vãn những di chỉ mộ táng chưa bị đào phá; đồng thời phát hiện thêm những loại hình di chỉ mới thu thập bổ sung tư liệu nghiên cứu về văn hóa Óc Eo.

Điểm khai quật được mở tại khu đất ở ngay phía Bắc của Miếu Bà Chúa Xứ (ấp Hòa Tây B xã Phú Hòa) H.Thoại Sơn (An Giang) hiện nay cao hơn mặt ruộng xung quanh từ 02 - 03 m rộng trên 3.500 m2 bề mặt hình tam giác; phía Nam mở rộng tiếp giáp với bờ Lung Xẻo Mây.
Theo PGS-TS Đặng Văn Thắng (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM) cấu trúc các di tích gọi là “mộ táng” phát hiện tại Đá Nổi thực chất là các dạng hố thờ trong phức hệ kiến trúc điển hình của các công trình tín ngưỡng Phật giáo và Hindu giáo của văn hóa Óc Eo. Điều này dường như được minh chứng trên các nét hình chạm khắc trên các lá vàng tìm thấy trong lòng “hố thờ” mà trước đây các nhà nghiên cứu gọi là “mộ táng” như: linga - yoni, hoa sen, tượng người múa, bò Nandi, hình con ốc, hình đinh ba, rùa… các loại hình ký tự - minh văn.
Trong quá trình khảo sát các nhà nghiên cứu còn phát hiện tại khu vực này hàng trăm loại hình vật liệu liên quan đến kiến trúc đền thờ: gạch, đá, cọc gỗ, bậc cầu thang… hiện đang nằm rải rác trong khu di tích Miếu Bà Chúa Xứ và Miếu Ông Tà.

Đáng chú ý tại trung tâm của kiến trúc mộ lật giở từng lớp gạch, đá, cát, vàng các nhà khảo cổ đã tìm thấy trong lòng 5 ngôi mộ chôn theo 331 hiện vật. Trong đó có 317 hiện vật vàng mà phần lớn là dạng lá vàng mỏng chạm hình người, hình động vật, thảo mộc, vật dụng, văn tự cổ và những đề tài trang trí dạng hình học. Các hình khắc hầu hết là biểu tượng thuộc tín ngưỡng Bà La Môn giáo và Phật giáo; chữ cổ thuộc dạng ký tự Sanskrit (Ấn Độ) có niên đại vào khoảng thế kỷ 5 - 6 sau Công Nguyên.

Đặc biệt trong ngôi mộ ký hiệu 85ĐN.M2 có chôn theo một bộ linga - yoni thờ kích thước cao 10 cm; rộng 122 x 122 cm; trọng lượng 2.673 gr cấu trúc gồm linga bằng vàng gắn trên bệ bằng đồng và một lá vàng mỏng lên ten bị linga xuyên thủng.
Giá trị khảo cổ
TS Nguyễn Quốc Mạnh (Phó giám đốc Trung tâm Khảo cổ học - Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) cho biết gần đây các nhà nghiên cứu đã giải mã khoa học hơn về tính chất đặc điểm của bệ thờ linga - yoni này và nhận định đó là hình tượng biểu trưng cho sự phá hủy với hình ảnh chiếc linga đâm thủng lá vàng (tượng trưng cho màng trinh tiết của phụ nữ) để thúc đẩy sự sáng tạo của thần Shiva; đồng thời là sản phẩm kết tinh từ các nghề thủ công chế tác kim loại nghề kim hoàn đã phát triển rất mạnh mẽ và giữ vai trò quan trọng trong cấu trúc văn hóa - kinh tế - xã hội ở Nam Bộ thời kỳ này.
Với những giá trị đặc biệt quý hiếm của bộ linga - yoni năm 2021 Thủ tướng đã công nhận hiện vật này là Bảo vật quốc gia hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng An Giang. Các nhà khảo cổ học thế giới đánh giá rất cao về di tích này với sự phát hiện kinh ngạc về văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam do chính các nhà khảo cổ học VN phát hiện và nghiên cứu.